Chọn khoác chiếc áo số 10 giữa những cái bĩu môi của chính CĐV nhà, Willian đang ôm tham vọng làm chuyện lớn trong mùa giải tới.

Chiều thứ Bảy 4/8, Chelsea công bố danh sách cầu thủ và số áo chính thức cho mùa giải mới 2019-20. Có một nghịch lý xảy ra là, trong khi người nhận chiếc áo số 9 bị nguyền rủa - Tammy Abraham gieo nên nhiều hi vọng, nhận được hằng hà những lời động viên, thì ngôi sao kế tục chiếc áo số 10 danh giá - Willian lại phải nhận vô số gạch đá.

“Fat Frank (Frank Béo) trao chiếc áo số 10 cho Willian trong khi chúng tôi muốn cậu ấy ra đi ư? Thật thấy nhớ Sarri quá” – một CĐV bày tỏ trên Twitter.

“Willan 10 = sự bất bình” – tài khoản Super Frank Era tweet đơn giản.

“Cứ đà này, sẽ có ngày Kepa mặc áo số 10 của Chelsea mất. Thậm chí Lampard ở độ tuổi này vẫn còn đá tốt hơn Willian” – người dùng N’Golo bất bình.

“Willian sẽ chỉ mặc áo này mỗi 1 năm thôi, Hè năm sau cậu ấy sẽ bị bán. Khi ấy, giữa Callum Hudson-Odoi và Christian Pulisic, ai làm tốt hơn trong một năm đó sẽ tiếp quản áo số 10” – tài khoản CFCFutbol_ dự đoán.

“Trao áo số 10 cho Willian là một nỗi hổ thẹn. Cậu ta không xứng đáng với nó” – tài khoản Javed phát biểu “gắt”.

Đó không chỉ là những người muốn đặt niềm tin vào những người trẻ như Hudson-Odoi và Pulisic, mà có lẽ còn từng rất chướng mắt với scandal xóa mặt Conte trong một bức ảnh chụp chung cùng cả đội, khi chiến lược gia người Italia vừa mới rời sân Stamford Bridge.

Mùa giải 2018-19 vừa qua cũng là một mùa giải không quá nổi bật của Willian, khi anh dù kiến tạo nhiều hơn (14 kiến tạo, so với 12 của mùa 2017-18 và 5 của mùa 2016-17), nhưng lại chỉ ghi được 8 bàn thắng, so với 13 và 12 bàn của hai mùa giải trước) trên mọi đấu trường.

Trong 6 năm khoác áo Chelsea, Willian cũng không quá nổi bật, chỉ chơi ở mức tròn vai trong các chức vô địch của The Blues. Ở Premier League mùa giải vừa qua, anh chỉ ghi được 3 bàn, chỉ một trong số đó mang ý nghĩa quan trọng - giúp Chelsea hạ Newcastle 3-1, nhằm giữ vững vị trí thứ 4 trên BXH trong giai đoạn cuối mùa; trong khi hai bàn còn lại, chỉ là những pha lập công nhằm nới rộng cách biệt trong các trận thắng 4 sao trước Burnley và Cardiff City. 

Còn ở đấu trường Europa League, anh chỉ được tung vào sân ở phút 71 trong trận Chung kết, khi Chelsea đã dẫn Arsenal 3-1, để rồi đúng… một phút sau, Eden Hazard ấn định chiến thắng và chức vô địch cho The Blues.

Vào ngày 9/8 tới, Willian sẽ bước sang tuổi 31, và anh cũng chỉ còn một năm hợp đồng ngắn ngủi nữa với đội chủ sân Stamford Bridge.

Tiền vệ người Brazil, vì những lý do đó, khiến các CĐV Chelsea bất phục khi anh kế thừa số áo của chính Hazard, sau khi ngôi sao người Bỉ gia nhập Real Madrid với giá chuyển nhượng 150 triệu Bảng. Anh cũng được cho là không xứng đáng với số áo mà những Juan Mata, Yossi Benayoun hay Joe Cole từng khoác lên.

“Áo số 10 giờ là của tôi. CLB thông báo sẽ có sự thay đổi số áo và nó sẽ là của tôi”.

“Tôi luôn thích khoác áo số 10. Từ khi còn là một đứa trẻ và chơi futsal, tôi đã luôn sử dụng số 10. Đó cũng là số áo của tôi khi còn ở Corinthians”.

Đó là những khẳng định đanh thép của Willian với kênh Desimpedidos cách đây hai tuần. Quyết định cởi bỏ áo số 22 mà anh đã gắn bó từ khi khoác áo Anzhi Makhachkala để giành lấy số áo quan trọng nhất đội, củng cố cho quyết tâm trở thành tâm điểm của Willian mùa giải tới.

Trước hết là nền tảng, là sự nghiêm túc của anh trong các cuộc chơi với Chelsea. “Cậu ta là một người hùng thầm lặng, là mẫu cầu thủ mà mọi đội bóng đều muốn có” – cựu danh thủ Gary Neville từng nhận xét như thế về Willian. 

Anh là một cầu thủ chạy cánh cần mẫn, giàu năng lượng và phối hợp ăn ý với các đồng đội – minh chứng là số lượng lớn đường kiến tạo trong mùa trước.

Và tiếp theo là những “vũ khí” để trở nên nổi bật hơn:

Đó là tốc độ và khả năng bức tốc đáng nể, cần được tận dụng nhiều hơn nữa. Trong màu áo ĐT Brazil, Willian thường được HLV Tite gọi bằng biệt danh O Foguetinho, nghĩa là chiếc phản lực nhỏ. Biệt danh đó được tất cả công nhận sau khi anh thực hiện cú bức tốc chọc thẳng vào vòng cấm địa Mexico trước khi căng ngang cho Brazil ghi bàn ở World Cup 2018.

Ở tình huống kiến tạo ấy, Willian gần như không mất quá nửa giây để đọc tình huống đánh gót trước đó của Neymar. Anh chạm bóng đúng hai lần, và ở nhịp sau đã khiến hậu vệ Hugo Ayala không thể phản ứng, trước khi chuyền bóng để Neymar ghi bàn. 

Tất cả chỉ diễn ra trong khoảng …5 giây, chính xác là 4,7 giây, và hệ thống phòng ngự của Mexico sụp đổ với bước chạy của một vận động viên điền kinh cự ly ngắn.

Xét rộng ra thì trong suốt trận đấu ấy, Willian cũng chơi như một chiếc siêu tua bin của HLV Tite bên cánh phải, là người có thể khoét sâu vào hệ thống phòng ngự của Mexico, và thay đổi kết cấu phòng ngự của đối thủ. Chính Willian góp phần lớn giúp Brazil vượt qua Mexico ở vòng 1/8, điều mà ĐT Đức đã không làm được vì thiếu những cầu thủ mang tính đột biến như thế.

Một thứ vũ khí nữa mà Willian cần phải tận dụng, chính là khả năng sút phạt của anh. Hãy nhớ lại mùa giải 2015-2016, khi Willian gây sốt với 7 bàn thắng từ chấm sút phạt trực tiếp, trong đó có đến 4 bàn ở vòng bảng Champions League. Khi ấy, hiệu suất sút phạt thành bàn của tiền vệ này tốt hơn cả Lionel Messi, Cristiano Ronaldo và Miralem Pjanic.

Willian ngày đó thậm chí được các đồng đội đặt biệt danh là “Willian Beckham” trên sân tập, và anh nói, mình tập sút phạt nhờ cảm hứng từ chính huyền thoại người anh và bậc thầy Ronaldinho: “Có một số cầu thủ tôi luôn thích xem, nhiều cầu thủ tôi biết luôn giỏi đá phạt. 

Ronaldinho và David Beckham là những người như thế, họ đá phạt rất hay, tôi luôn cố gắng học theo và tìm hiểu những gì họ làm để có thể ghi bàn”.

Từ trước khi cập bến Chelsea và trong suốt thời gian gắn bó với Stamford Bridge, Willian luôn được xem là một cầu thủ tấn công người Brazil nhưng thiếu chất Samba. Đó là một đòi hỏi quá đáng với một cầu thủ thi đấu ở Ngoại hạng Anh, nhưng thực tế, cần thừa nhận là Willain vẫn thiếu sáng tạo để trở nên đột biến hơn nữa.

Để cải thiện điều đó, anh cần nỗ lực để hiện thực hóa một mong muốn của mình, được tiết lộ trong một phát biểu cách đây 3 năm:

“Ronaldinho là xuất sắc nhất, và là thần tượng của tôi. Tôi đã chơi cạnh anh ấy trong một trận đấu từ thiện và đó là một ông anh tốt bụng”.

“Ngày Ronaldinho còn ở Barcelona, anh ấy từng nhận một đường chuyền và rồi tâng bóng qua đầu đối thủ một, hai rồi ba lần. Thật không thể tin được!”.

“Tôi đã cố gắng học rất nhiều những kỹ thuật từ các bậc thầy như thế. Robinho từng sử dụng một ‘chiêu thức’ tên là elastico, giúp anh ấy vượt qua đối phương một cách rất đẹp mắt và hiệu quả”.

“Tôi từng sử dụng chiêu đó khi cùng ĐT Brazil đối đầu Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina. Ở Chelsea, tôi cũng từng dùng nhiều kỹ thuật để gây bất ngờ cho đối thủ, và muốn phát triển hơn nữa phương diện này”.

Tăng cường thêm tính sáng tạo trong lối chơi, rất có thể sẽ là cách giúp Willian tỏa sáng trong mùa giải tới. Mục tiêu của anh, không gì khác ngoài một lần được làm nhân vật chính trong đời, là cầu thủ quan trọng nhất đưa Chelsea đến một danh hiệu lớn, ở ngưỡng tuổi 31, như những tiền bối Ronaldinho hay Robinho!

Tác giả: Kiều Phong
Đồ họa: Kim Thành

NHỮNG BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bình Luận