Đến Hà Lan thi đấu, Văn Hậu không chỉ bắt đầu chuyến phiêu lưu trong mơ của mình, mà còn hiện thực hóa ước mơ của cả một thế hệ “trẻ trâu” từng cắm cọc trong những… quán điện tử của Việt Nam.

 Với cá nhân người viết nói riêng - từng để dành từng tờ hai nghìn đồng một, để “bùng cháy” cùng game FIFA Online 2 tại các quán net hồi cấp hai, vẫn nhớ như in những trận cầu rực lửa cùng đám bạn ngày xưa liên tục cáp kèo solo, nhưng giờ mất hết liên lạc và không biết khi nào có thể gặp lại; và với cả một thế hệ “trẻ trâu” nói chung - đã dành hàng nghìn giờ ngồi trước màn hình các game bóng đá, từ đĩa vuông, đĩa tròn đến game online hay PS4 bây giờ, thì buổi chiều cuối tháng 8 vừa qua, Đoàn Văn Hậu chính là người hùng của tất cả chúng ta!

Là người hùng, bởi Hậu cũng từng là một cậu bé cực ghiền game bóng đá. Khi còn là cầu thủ trẻ ở lò đào tạo của Hà Nội, Hậu từng suýt bị HLV Vũ Hồng Việt trả về gia đình vì trốn học văn hóa buổi tối để đi chơi Play Station. 
“Giờ thầy hỏi con lần cuối, ở lại học tập để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, hay là về nhà chơi game?” – đó là tối hậu thư mà thầy Việt đã đưa ra cho Hậu, trước mặt phụ huynh của hậu vệ người Thái Bình.
Sau cùng, Văn Hậu phải ngậm ngùi bỏ hẳn game, để chuyên tâm tập luyện và tiến bộ thần tốc thành cầu thủ trẻ hay bậc nhất Việt Nam như hiện tại. 
Nhưng điều thú vị là, chỉ vài năm sau khi bỏ chơi điện tử, Văn Hậu thậm chí còn thực hiện được điều phi thường là sắp gia nhập một CLB của Châu Âu. Từ cậu bé say mê “điều khiển” những thần tượng ở trời âu, đến việc thực sự trở thành một nhân vật trong game, là chặng đường hiếm thấy và đáng tự hào với một người Việt Nam. 
Việc SC Heerenveen chiêu mộ Văn Hậu theo dạng cho mượn, kèm điều khoản mua đứt trị giá khoảng 1,5 triệu Euro cũng bất ngờ và diễn biến nhanh như phim hành động: Đầu giờ chiều 31/8, việc Hậu sang Hà Lan chỉ mới là tin đồn xuất hiện rải rác; cuối giờ chiều, trang tin của CLB Hà Nội bất ngờ xác nhận chính thức, để rồi đến 21h cùng ngày, cầu thủ sinh năm 1999 đã có mặt ở phi trường để bay đến xứ cối xay gió kiểm tra sức khỏe. 
Tính chất bất ngờ còn được thể hiện ở chi tiết, gia đình Văn Hậu hoàn toàn… không biết về thương vụ này. Thậm chí, bố ruột của anh là ông Đoàn Quốc Thắng chỉ biết tin khi được báo chí liên lạc phỏng vấn: “Hậu sang Hà Lan à? Tôi có biết gì đâu. Anh vừa thông báo tôi mới biết đấy chứ” - ông Thắng thốt lên với phóng viên của Zing.
“Đến nay, Hậu nó vẫn chưa điện gì về nhà, chưa thông báo gì cho chúng tôi. Thật sự mà nói, lúc anh báo tin tôi quá bất ngờ. Đời cầu thủ của con được thế này, tôi quá hạnh phúc cho con rồi”.
Thực ra thì không chỉ bố của Hậu, vốn là một nông dân, mà có thể khẳng định rằng đây là lần đầu tiên cả giới bóng đá Việt Nam được trải nghiệm một cách TRỰC TIẾP cảm giác hối hả của những ngày cuối một kỳ chuyển nhượng châu Âu. 
Bước tiến này đầy bất ngờ, nhưng thực ra đã được manh nha rất lâu, từ khát khao của chính Đoàn Văn Hậu. “Ước vọng của Văn Hậu là được sang châu Âu thi đấu. Cậu ấy bày tỏ mong muốn và đội bóng tôn trọng điều đó. Vì vậy, CLB Hà Nội giúp đỡ Văn Hậu bằng mọi cách trong khả năng của mình để Hậu thực hiện được ước mơ” - đại diện của Hà Nội khẳng định khi thương vụ được công bố. 
Chính tham vọng đó, sắp mở ra những cơ hội mà cách đây chỉ… vài ngày thôi, chưa ai có thể dám tưởng tượng: Nếu may mắn sớm được trao cơ hội, hậu vệ sinh năm 1999 sẽ có thể chứng tỏ bản thân ngay trận đấu tiếp theo diễn ra vào ngày 14/9, trong chuyến làm khách trước… ĐKVĐ Ajax. 
Điều đó có nghĩa là, Văn Hậu sắp đối đầu Dusan Tadic, Klaas-Jan Huntelaar, Hakim Ziyech hay David Neres - những người từng vượt qua cả Real Madrid và Juventus để tiến đến tận Bán kết Champions League mùa giải trước. 
Còn sau đây hai tháng nữa, Hậu cũng có thể giáp mặt Ibrahim Afellay và người quen cũ Ritsu Doan, khi Heerenveen làm khách của PSV Eindhoven. Đó chỉ là chuyện sớm muộn, như Chanathip Songkrasin thi đấu với Andres Iniesta hay Fernando Torres vậy. Tất nhiên, là nếu Hậu thuyết phục được các HLV.
 

Về phía cầu thủ gốc Thái Bình, người được gọi vui là niềm tự hào tiếp theo của “quê lúa” sau… Sơn Tùng M-TP, anh cũng đã sẵn sàng:

“Tôi không nghĩ tuổi 20 là quá sớm để sang châu Âu thi đấu. Tôi muốn đi và đã muốn đi từ sớm hơn nữa. Tôi muốn sang đó để học hỏi, rút ra những kinh nghiệm cho bản thân. Tôi mong muốn sẽ gặp nhiều may mắn ở môi trường mới” - anh chia sẻ với Thể thao & Văn hóa ngay trước lúc bước lên phi cơ.

“Từ nhỏ, tôi xem bóng đá rất nhiều và xem tất cả các giải VĐQG như Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan, Đức… và cũng nắm bắt được nhiều thông tin về giải VĐQG Hà Lan”.

“Rào cản của tôi có lẽ là về ngôn ngữ. Khi sang đó, tôi sẽ cố gắng học hỏi. Tôi sẽ phải học thêm rất nhiều về ngôn ngữ, nhưng tôi sẽ cố gắng lắng nghe những lời HLV chỉ dạy cho mình”.

“Tôi nghĩ mình rất may mắn khi được lựa chọn. Tôi nghĩ rằng mình có tinh thần, đó là thứ tôi sở hữu nhiều nhất. Còn những yếu tố khác tôi vẫn phải học hỏi rất nhiều và tôi sẽ học hỏi tất cả các đồng đội của mình ở bên đó” - Hậu nói.

Chuyển góc nhìn về bên kia đại dương. Ngay từ năm 2018, Văn Hậu đã được báo giới Hà Lan chú ý, khi clip siêu phẩm vuốt bóng vào góc chết khung thành U23 Oman ở giải U23 Quốc tế của anh được Mesut Ozil ấn like trên Instagram. 

Tờ Voetbalzone liệt kê cái tên Văn Hậu vào bài viết về các tài năng trẻ trên khắp thế giới của mình, ưu ái gọi anh bằng biệt danh… “Doan Van Bale”, rồi liên hệ ngược về Việt Nam, phỏng vấn tổng biên tập Erick Bui của Goal.com Vietnam về cầu thủ này.

“Cậu ấy là của hiếm của bóng đá Việt Nam. Một cầu thủ có thể chơi lên công về thủ rất toàn diện, và sẽ có một tương lai rất xán lạn” – ông Erick nói vào thời điểm đó.

“Eredivisie là môi trường lý tưởng để các cầu thủ trẻ phát triển, nhưng tôi không nghĩ rằng Văn Hậu có thể ngay lập tức chơi bóng ở hạng đấu cao nhất. Cậu ấy nên bắt đầu ở các đội trẻ để dần dần làm quen với môi trường mới”.

“Tôi không thường xuyên theo dõi giải VĐQG Hà Lan nhưng nếu buộc phải chọn một CLB ở đây để giới thiệu cho Văn Hậu, tôi nghĩ đó sẽ là PSV, đội bóng cũ của ngôi bóng đá gốc Việt Lee Nguyễn” - ông khẳng định.

Cần biết là vào lúc đó, Văn Hậu vẫn chỉ là người trẻ tiềm năng, không quá nổi bật ở VCK U23 Châu Á vì chấn thương nặng ngay từ vòng bảng. Nhưng rồi sau đó, Hậu cùng Olympic Việt Nam vào Bán kết ASIAD 18, cùng ĐT Việt Nam vô địch AFF Suzuki Cup 2018 và đặc biệt nhất, là tiến đến tận Tứ kết Asian Cup 2019, với màn trình diễn đầy khát khao trước Nhật Bản cùng The Golden Stars.

Những màn trình diễn ấy giúp Hậu trở thành cầu thủ Đông Nam Á đầu tiên gia nhập Heerenveen. Nhưng cũng đừng sợ hãi, bởi trước đó, những Stefano Lilipaly, Irfan Bachdim (Indonesia); Paul Mulders (Philippines); Fandi Ahmad (Inter Milan) và Geoffrey Prommayon (Thái Lan) cũng từng đại diện “vùng trũng” đến Hà Lan thi đấu và gặt hái nhiều thành công đáng kể. Hậu sẽ là người kế thừa và phát triển, chứ không phải kẻ khai hoang.

Tất nhiên là vẫn còn đó những lo lắng. Những người theo thuyết âm mưu đã sớm hoài nghi khi nghe tin Heerenveen rục rịch đánh tiếng muốn có… nhà tài trợ Việt Nam ngay sau khi công bố thương vụ. Bóng ma từ những cuộc xuất ngoại sặc mùi thương mại của Lê Công Vinh (ở Consadole Sapporo) hay Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Tuấn Anh, Lương Xuân Trường trong quá khứ lại hiện về.

Tuy vậy, sẽ yên tâm hơn nếu nhìn thẳng vào bộ mặt chuyên môn của đội bóng có biệt danh The Super Frisians thời điểm này:

“Đầu tiên, xét về khả năng đào tạo cầu thủ thì thực tế Heerenveen không có vai vế ở Hà Lan. Tính đến nay, cầu thủ thành công nhất từng trưởng thành từ lò đào tạo của đội bóng này là Hakim Ziyech - hiện đang khoác áo Ajax Amsterdam, còn những cái tên hiện đang được nhắc tới nhiều như Ruud van Nistelrooy hay Klaas Jan-Huntelaar thì đội bóng này chỉ là một điểm dừng chân ngắn để nâng tầm sự nghiệp. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc Văn Hậu sẽ không phải lo lắng nhiều về những đối thủ cạnh tranh ‘cây nhà lá vườn’. Chưa kể việc đào tạo ra một hậu vệ giỏi thì khó hơn tiền đạo nhiều” – cây viết Thành Đỗ phân tích trên trang cá nhân.

“Ngoài một điểm nữa ủng hộ Văn Hậu là Heerenveen thực sự đang thiếu hậu vệ trái. Hiện tại họ chỉ có duy nhất một cầu thủ chơi ở vị trí này là Lucas Woudenberg, và việc muốn chốt hợp đồng trước khi thị trường chuyển nhượng đóng cửa cho thấy họ có quan tâm tới Văn Hậu về mặt chuyên môn chứ không đơn thuần là thương mại”.

“Tóm lại, khả năng Văn Hậu phải cày ải ở lứa trẻ Heerenveen là không cao, mà em sẽ được tập cùng đội hình chính để các HLV có đánh giá chính xác nhất. Trong tương lại, Hậu sẽ có cơ hội được ra sân tại Eredivisie. Thậm chí nếu có may mắn và thể hiện được bản thân thì một suất đá chính cũng không phải hão huyền đâu” – anh dự đoán.

Tác giả: Gã Đồ Tể
Đồ họa: Kim Thành

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bình Luận