Bóng chuyền - Bóng chuyền nữ Việt Nam vốn là môn thể thao được ưa chuộng ở trong nước, có lẽ chỉ đứng sau môn thể thao vua là bóng đá.
Sự chú ý và quan tâm của khán giả nhà cho các bóng hồng trong môn thể thao này cũng là rất lớn. Với tiềm lực ổn định của mình, bóng chuyền Việt Nam là đội tuyển mạnh trong khu vực Đông Nam Á, chỉ đứng sau kình địch Thái Lan.
Tại giải Vô địch bóng chuyền nữ châu Á 2019 diễn ra tại Hàn Quốc, Việt Nam cùng bảng với Trung Quốc, Sri Lanka và Indonesia. Ngoại trừ Trung Quốc với đẳng cấp vượt bậc, các đối thủ còn lại đều xét nằm chiếu dưới so với ĐT Việt Nam. Giải đấu cũng là dịp để bóng chuyền tìm kiếm cơ hội dự Olympic Tokyo 2020 (Nhật Bản). Và cho dù kết quả thế nào, việc được cọ xát với các đối thủ mạnh cũng giúp các tuyển thủ tích luỹ kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh thi đấu.

Nhưng LĐBC Việt Nam đã từ chối tham dự giải. Lời giải thích từ những người người cốt cán trên liên đoàn càng làm xát muối thêm những NHM bóng chuyền nước nhà. Theo đó, trong tháng 7 và tháng 8, bóng chuyền Việt Nam sẽ có 3 giải gồm U23 châu Á, VTV Cup và Vô địch châu Á. Thành phần đội tuyển bóng chuyền U23 cũng là nòng cốt tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam dự 2 giải đấu còn lại. Do mật độ thi đấu dày, LĐBC cho rằng các tuyển thủ sẽ không kịp hồi phục thể lực. Chủ tịch LĐBC Lê Văn Thành đồng thời thừa nhận, việc thiếu kinh phí cũng là trở ngại khiến liên đoàn ưu tiên đội tuyển nữ thi đấu giải tại chỗ, thay vì giải châu lục.
Thiếu tham vọng

Đây có lẽ là nguyên nhân quan trọng nhất khiến LĐBC quyết định bỏ qua cơ hội dự một giải đấu chính thức cấp châu lục, trong khi nó lại là niềm khao khát của nhiều nước khác. Trên thực tế theo lịch thi đấu, VTV Cup 2019 kết thúc ngày 10/8, trong khi giải Vô địch bóng chuyền nữ châu Á 2019 chỉ khai mạc sau đó 1 tuần (17/8). Trong trường hợp lo lắng về vấn đề thể lực của các cầu thủ, LĐBC hoàn toàn có thể cân đối lực lượng cho giải U23 châu Á 2019 hoặc VTV Cup. Tuy nhiên, cuối cùng LĐBC lại lựa chọn phương án tệ nhất là bỏ giải châu lục.
Duy Hùng