Quá trình luyện tập gian khổ nào đã làm nên Chanathip Songkrasin – “Messi Jay” đang làm mưa làm gió ở J.League và sắp khoác áo số 10 của ĐT Thái Lan nghênh chiến Việt Nam? Và bạn có tin không, nếu nói Chanathip từng chẳng hề thích bóng đá và được dạy đá bóng như “huấn luyện thú”? 

Đây là câu chuyện về một cầu thủ đã bắt đầu sự nghiệp của mình ngay từ khi… chưa được sinh ra đời. Ngày nay, anh nổi tiếng với biệt danh “Messi Jay”, nhưng thực chất, cha của anh luôn giữ hình ảnh của một huyền thoại Argentina khác trong tâm trí.

Theo FourFourTwo, gần 30 năm trước, ông Kongpop “Joong” Songkrasin, một người bán thức ăn nhanh nhưng đam mê bóng đá mãnh liệt, đã táo bạo ước mơ rằng một ngày nào đó, con trai ông có thể chơi như… Diego Maradona, thần tượng của mình. 

Thế là, Kongpop đã đến chùa Rai Khing, để cầu nguyện cho giấc mơ thành hiện thực. “Thời điểm vợ tôi mang thai, gia đình tôi có đức tin rất lớn vào ngôi chùa nổi tiếng này, nên tôi đã cầu nguyện ở đó, mong con mình có thể giỏi như Maradona. Sau đó, Jay được sinh ra vào tháng Mười, đúng với tháng sinh của Maradona và rồi tôi nghĩ, thôi đúng rồi, đúng rồi” – ông kể.

Chanathip Longform

Ký ức trong đầu của Chanathip thì như thế này: “Còn nhớ khi tôi 3-4 tuổi, cha tôi đã vò tờ báo Siam Sport lại thành một quả bóng nhỏ và bảo tôi đá nó. Tôi không biết điều đó nghĩa là gì vì lúc ấy tôi còn quá nhỏ”.

“Ngày đó, gia đình tôi mở một cửa hàng bán đồ ngọt. Cha tôi thì vừa nạo dừa vừa dạy tôi đá bóng. Nào là kiểm soát, rê dắt, chuyền bóng, đánh đầu rồi sút bóng. 

Đó chính xác là những thuật ngữ mà cha đã dạy tôi hằng ngày vào thời điểm ấy. Nói thật là chúng rất chán, và tôi chẳng hiểu tại sao mình lại phải tập luyện như vậy cả. Dù siêu chán, nhưng tôi vẫn buộc phải tập luyện từ ngày này qua ngày nọ”. 

Cậu bé Chanathip thực sự đã được đưa vào khuôn phép và thậm chí, thỉnh thoảng còn bị trừng phạt nếu có dấu hiệu lơi là.

Chanathip Longform

Ông Kongpop kể tiếp: “Ngay từ khi còn đi mẫu giáo, mỗi khi đi học về, Jay sẽ mang ngay giày tập luyện và khoác lên người chiếc áo của Manhester United để luyện tập cách kiểm soát quả bóng ngay trước sân nhà. 

Đó là giai đoạn khởi đầu, với những bước cơ bản đầu tiên của nó trong bóng đá”. “Thỉnh thoảng, nó không muốn tập. Mỗi khi như thế, tôi bảo: ‘Nếu không tập thì con phải làm bài tập về nhà, chứ không được chơi điện tử’.” 

“Còn ngược lại, sau mỗi buổi tập, tôi đều cho nó 20 baht để chơi game. Đó là một sự khích lệ hiệu quả”.

Longform Chanathip

Chanathip nhớ lại: “Cha tôi là một người khá nóng tính. Khi không thích điều gì tôi làm, ông ấy thường bợp tai tôi. Mỗi lần như thế, mẹ tôi sẽ lao vào bảo: ‘Nè, sao ông lại tát thằng nhỏ?’. Đại loại như thế”. 

Ông Kongpop giải thích: “Ngày đó, Anyang – một CLB đến từ Hàn Quốc từng đến Thái Lan du đấu ở sân Supachalasai. Mỗi khi đội bóng không có màn trình diễn tốt, HLV của họ sẽ gọi hết các cầu thủ vào, và bợp tai từng người một. 

Tất nhiên tôi chưa từng chứng kiến cảnh đó, mà chỉ nghe lại trên báo chí. Tuy vậy, tôi đã quyết định áp dụng phương thức đó, vì nó thể hiện rõ sự kỷ luật và sức mạnh của người Hàn Quốc, và vì ĐT nước họ đã giành quyền vào VCK World Cup”.

Longform Chanathip

Chính quá trình đào tạo khắt khe đó đã cho ra lò một cầu thủ nhí có kỹ năng chơi phóng phi thường so với lứa tuổi của mình, nhưng lại có nhược điểm về thể chất. 

Chính thân hình bé nhỏ đã khiến Chanathip phải chịu nhiều lời trêu chọc khi còn bé. Chỉ trong vòng một, hai năm, bạn bè của Chanathip đều đã cao vượt rất xa cậu, và để lại những lời giễu cợt. 

“Tất cả các đồng đội và đối thủ đều đã cao vượt xa tôi, nhưng những kỹ năng cơ bản đã giúp tôi bù đắp cho điều đó. Tuy vậy, thể hình vẫn khiến tôi chịu thiệt thòi mỗi khi đội bóng chọn đội hình thi đấu. Một HLV từng đề nghị tôi đừng theo nghiệp bóng đá để trở thành… nhà vô địch xiếc tung hứng” - Chanathip ngán ngẩm.

Tại Đại học Kỹ thuật Panichayakarnrajdamnern, nơi liên kết với BEC Tero Sasana – CLB chuyên nghiệp đầu tiên sau này của Chanathip, các giáo viên cũng hay trêu chọc cậu, chỉ trừ một người luôn ủng hộ cầu thủ trẻ này hết lòng, là một thầy giáo tên Oh: “Jay có thể chơi tốt bằng cả hai chân. Những pha tạt bóng của cậu ấy của rất tuyệt. 

Có thể nói, cậu ấy có khả năng chuyền bóng tốt bẩm sinh, bên cạnh kỹ năng kiểm soát bóng. Thế nên ở đây, việc thiếu thước tấc chẳng là vấn đề gì đối với lối đá của cậu ấy”

Sanukran Thinjom, một trong những đối tác ăn ý nhất của Chanathip thì kể rằng: “Mỗi khi chuyền bóng cho Jay và rồi tiến lên phía trên, tôi có thể chạy chỗ ở… bất cứ nơi đâu mà tôi muốn. Sau đó, tôi chỉ cần hét ‘Jay’ là gần như, quả bóng sẽ ngay lập tức tiến trở lại vị trí của tôi”. 

Với những kỹ năng xuất sắc ấy, cuối cùng, Chanathip Songkrasin cũng đã nhận được một cơ hội từ Andrew Ord, một HLV đội trẻ của BEC-Tero Sasana. Khi ấy, cậu vừa tròn 18 tuổi. “Trước đó, không nhiều người trong nghề đánh giá cao Chanathip, vì xét về mặt thể hình cậu ấy khá nhỏ bé, còn về mặt thể chất thì cần tích lũy nhiều hơn” – Robert Procureur, cựu Giám đốc kỹ thuật của Sasana ngày ấy nhận định. 

Chanathip và cha cậu thấu rõ điều đó, để vạch ra một kế hoạch tập luyện gai góc hơn, với những bài tập thể lực nặng hơn nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc chơi, khi tiến lên đẳng cấp tiếp theo. “Có thể thấy cậu ấy rất kiên định, và đã luyện tập chăm chỉ để tiến bộ. Sau các buổi tập của đội, cậu ấy còn tập riêng một-một với cha ở Nakhon Pathom. Điều đó chứng minh cho khát khao phát triển” – vẫn lời ông Robert.

Chanathip Longform

Không ngoài dự đoán, Chanathip đã tỏa sáng ở Sasana không lâu sau đó, để nhận được một phần thưởng lớn hơn là cơ hội đến từ một người tên là Somchai “Na Chuay” Chuayboonchum. Đó là nhân vật đã lần đầu tiên giới thiệu cái tên Chanathip Songkrasin với bóng đá châu Á, ở giải AFC U19 Asian Cup. 

“Khi nhìn Chanathip thi đấu ở giải đấu đó, tôi cảm thấy rằng đây chính là người bóng đá Thái Lan đang tìm kiếm. Cậu ấy nhanh, kỹ thuật tuyệt vời; dù nhỏ người nhưng có thể lách qua hai cầu thủ đối phương chỉ trong có hai giây. Tôi biết Chanathip sẽ có một tương lai xán lạn, đặc biệt sau khi xem cậu ấy đối đầu với các đội trẻ của Hàn Quốc và Nhật Bản” – ông cho biết.

Chanathip Longform

Na Chuay đã đúng vào thời điểm đó, nhưng có lẽ cũng không ngờ là sau này, Chanathip không chỉ còn là người bóng đá Thái Lan tìm kiếm, mà thậm chí phát triển thành niềm tự hào và cầu thủ xuất sắc nhất của xứ Chùa Vàng. 

Sau khi giành 2 HCV SEA Games (2013, 2015) và 2 chức vô địch AFF Cup (2014, 2016), Chanathip chuyển đến Hokkaido Consadole Sapporo ở J.League thi đấu vào năm 2017. Để rồi chỉ sau hai năm, anh vươn mình trở thành cầu thủ ở đẳng cấp châu Á. 

Đó là tiền vệ được bình chọn là cầu thủ xuất sắc nhất mùa giải 2018 của Consadole Sapporo, khi ghi 8 bàn để giúp đội bóng có biệt danh Consa cán đích ở vị trí thứ 4.

Ở mùa giải này, Chanathip từng cùng các đồng đội chơi một trận tuyệt hay để thắng Vissel Kobe của huyền thoại Andres Iniesta 3-1. 

Mới đây nhất, anh gây ấn tượng cực mạnh khi lập cú đúp trong chiến thắng hủy diệt 8-0 trước Shimizu S-Pulse, ngay trước ngày trở về khoác áo ĐT Thái Lan ở vòng loại World Cup 2022. Cần nhớ rằng, những kẻ thách thức ĐT Việt Nam trong một năm rưỡi vươn mình trở thành thế lực vừa qua không hề có bóng dáng của Chanathip. 

Anh đã quá tuổi để cứu các đàn em U23 Thái Lan trong hai trận thua muối mặt U23 Việt Nam, và dính một chấn thương hết sức đáng tiếc ngay trước thềm King’s Cup hồi tháng 6, để phải từ phương xa, nhìn The Wars Elephants thất thủ trước The Golden Stars trong bức bối. 

Nhưng giờ thì Chanathip đã ở đây, với quyết tâm cực lớn và phong độ cao nhất của mình. “Tuyển Việt Nam chơi tốt, nhưng tôi sẽ ghi bàn”; “Mục tiêu của tôi là giúp ĐT Thái Lan đứng đầu bảng G. Tôi muốn giành chiến thắng tất cả các trận đấu”… 

Những tuyên bố hùng hổ đó, cùng động tác đổi số áo từ 18 sang 10 ở đợt tập trung này, chứng minh cho tinh thần quyết thắng của anh. Nhưng câu hỏi đặt ra là, chỉ một mình Chanathip Songkrasin liệu có đủ sức vực dậy cả ĐT Thái Lan đang rệu rã và vừa thay đổi triều đại, cũng như chống nổi một ĐT Việt Nam đầy năng lực và tự tin hiện tại không?

Chanathip E-Mgazine Longform

Tác giả: Kiều Phong
Đồ họa: Kim Thành

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bình Luận