Bóng Đá Việt Nam

Những cặp song sát Việt Nam khuấy đảo Đông Nam Á: Công Vinh – Việt Thắng có là số 1?

Bóng đá Việt Nam – HLV Park Hang-seo sẽ có nhiều điểm tựa đến từ quá khứ khi áp dụng sơ đồ 2 tiền đạo vào bóng đá Việt Nam thời điểm hiện tại.

HLV Park Hang-seo muốn dùng 2 tiền đạo

Ngày 19/11, ĐT Việt Nam hòa Thái Lan với tỷ số 0-0 trên sân Mỹ Đình. Đó là một trận đấu mà hàng thủ của chúng ta vẫn thi đấu xuất sắc như thường lệ. Tuy nhiên, trên hàng công, Tiến Linh, Quang Hải và các đồng đội tỏ ra vô cùng bế tắc. Cả trận đấu, Việt Nam không 1 lần sút bóng trúng khung thành đối phương.

Ngay sau trận đấu ấy, HLV Park Hang-seo thừa nhận ông cảm thấy ĐT Việt Nam gặp nhiều vấn đề trên hàng công. Đồng thời, vị chiến lược gia người Hàn Quốc chia sẻ về ý tưởng áp dụng sơ đồ 2 tiền đạo. Theo cách vận hành của ông Park, đó sẽ là 3-5-2.

“Tôi thực sự muốn sử dụng sơ đồ với 2 tiền đạo mũi nhọn tại ĐT Việt Nam.” – HLV Park Hang-seo chia sẻ với phóng viên sau khi trận đấu gặp Thái Lan kết thúc.

Ông thầy người Hàn Quốc không phải là người đầu tiên áp dụng cách tấn công này với ĐT Việt Nam và ĐT U23. Trong quá khứ, đã từng có rất nhiều lần ĐT Việt Nam tấn công với 2 tiền đạo và giành được những thành tích đáng nể.

Huỳnh Quốc Cường – Lê Huỳnh Đức

Bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại vào những năm 1990, nhưng mãi đến năm 1995 mới thực sự có những bước tiến lớn. ĐT Việt Nam tham dự những giải đấu lớn là SEA Games 1995 (khi đó vẫn còn cho phép sử dụng ĐTQG dự giải) và Tiger Cup 1996.

HLV ĐT Việt Nam thời bấy giờ là Karl-Heinz Weigang đã cho áp dụng sơ đồ 5-3-2 thịnh hành của người Đức, với trái tim hàng phòng ngự là Libero Đỗ Khải. Trên hàng công, Lê Huỳnh Đức đá cặp với Trần Minh Chiến. Nhưng sau chấn thương nặng của cựu cầu thủ gốc Bình Dương, Huỳnh Quốc Cường được ghép đôi với chân sút số 1 Việt Nam thời điểm đó.

Nhìn chung, với sơ đồ 5 hậu vệ, Việt Nam khi đó chú trọng nhiều về phòng ngự. Tuy nhiên, sự xuất sắc của các chân sút giúp chúng ta có ngôi Á quân SEA Games 1995 và giành hạng 3 Tiger Cup 1996. Quốc Cường có bàn thắng để đời với cú đánh gót lịch sử.

Đáng tiếc cho bóng đá Việt Nam thời ấy khi cả Quốc Cường và Minh Chiến đều bị đứt dây chằng đầu gối. Minh Chiến giã từ sự nghiệp ở tuổi 22, còn Quốc Cường không được triệu tập lên tuyển sau năm 1996.

Việt Nam - Huỳnh Đức và Sỹ Hùng từng là một cặp song sát - Việt Nam 9
Huỳnh Đức và Sỹ Hùng từng là một cặp song sát - Việt Nam 9

Lê Huỳnh Đức – Văn Sỹ Hùng

Đây có lẽ là một trong những cặp tiền đạo nổi tiếng nhất bóng đá Việt Nam thời kỳ mở cửa. Năm 1998, HLV Alfred Riedl mang tới Việt Nam sơ đồ 4-4-2 hiện đại. Và cặp tiền đạo một cao lớn, một nhanh nhẹn Huỳnh Đức – Sỹ Hùng ra đời.

Văn Sỹ Hùng là anh cả trong 3 anh em nhà Văn Sỹ chơi bóng. Tham dự Tiger Cup 1998, ông đã 30 tuổi. Tuy nhiên, Sỹ Hùng – Huỳnh Đức đã thi đấu vô cùng nổi bật tại giải đấu năm đó để đưa Việt Nam vượt qua vòng bán kết.

Nhưng trận thua Singapore ở chung kết năm đó quả là một ký ức buồn. Sỹ Hùng không được thi đấu bởi nhận đủ thẻ vàng sau trận gặp Thái Lan ở bán kết. Mất bộ đôi ăn ý trên hàng công, ĐT Việt Nam nhận thất bại trước đối thủ gồm nhiều cầu thủ nhập tịch.

Người thay thế cho Văn Sỹ Hùng khi đó là tiền đạo kỳ cựu Nguyễn Văn Dũng. Khi ấy 35 tuổi, Văn Dũng là vua phá lưới giải VĐQG. Tuy vậy, ông bỏ lỡ nhiều cơ hội ở trận chung kết lịch sử.

Việt Nam - Văn Quyến (2) và Thanh Bình (4) từng là một cặp tiền đạo tài năng - Việt Nam 9
Văn Quyến (2) và Thanh Bình (4) từng là một cặp tiền đạo tài năng - Việt Nam 9

Phạm Văn Quyến – Phan Thanh Bình

Cặp tiền đạo số 1 của U23 Việt Nam tại SEA Games 2003 quả thực là một cặp song sát. Văn Quyến quá tài năng ở lứa tuổi của mình khi thường xuyên mang về những bàn thắng vô cùng quan trọng. Trong khi đó, Thanh Bình luôn biết cách tỏa sáng trong thời điểm ngặt nghèo. Mà một trong số đó là pha lập công ở trận bán kết gặp Malaysia mang về chiến thắng 4-3 nghẹt thở.

Tuy nhiên, cặp đôi này nhanh chóng tan rã bởi Văn Quyến xuống phong độ, trước khi dính vào đại án Bacolod năm 2005. Còn Phan Thanh Bình không được triệu tập lên ĐTQG kể từ năm 2009, khi anh mới 23 tuổi.

Lê Công Vinh – Nguyễn Việt Thắng

Cặp tiền đạo mang về chức vô địch Đông Nam Á đầu tiên của ĐT Việt Nam xứng đáng là một trong những bộ đôi ăn ý nhất của ĐT Việt Nam nhiều thời kỳ. Vẫn với công thức một cao to, một khéo léo, nhưng cả Công Vinh và Việt Thắng đều có những điểm khác biệt.

Việt Thắng ngoài việc có thể hình tương đối ổn còn có nhãn quan chiến thuật rất tốt và luôn đưa ra được những quyết định hợp lý. Trong khi đó, Công Vinh sở hữu tốc độ, sự khéo léo và cả khả năng dứt điểm linh hoạt.

Trên thực tế, tại AFF Cup 2008, Lê Công Vinh và Nguyễn Việt Thắng chỉ đá cặp cho tới hết vòng bảng. Đến bán kết gặp Singapore và sau này là chung kết gặp Thái Lan, Công Vinh thường xuyên đá dạt trái để lắp thành sơ đồ 4-5-1, chủ động phòng ngự. Tuy nhiên, mỗi đợt tấn công thì Việt Thắng luôn nỗ lực để phối hợp với sự di chuyển thông minh của Công Vinh vốn sẵn sàng dâng cao, từ đó mở ra những phương án làm bàn khác nhau. Đây là bộ đội rất ăn ý dù đôi khi vị trí của Công Vinh không hẳn là tiền đạo.

Việt Nam - Công Phượng và Văn Toàn tạo nên sự tươi mới - Việt Nam 9
Công Phượng và Văn Toàn tạo nên sự tươi mới - Việt Nam 9

Nguyễn Công Phượng – Nguyễn Văn Toàn

Bộ đôi tiền đạo của U19 Việt Nam năm 2014 được nhắc tên bởi sự đặc biệt của họ. Xuất hiện khi cơn bão U19 Hoàng Anh Gia Lai – JMG nở rộ, 2 cầu thủ này trở thành những thần tượng bóng đá ngay ở tuổi 19.

Văn Toàn và Công Phượng chia sẻ chung một phong cách thi đấu: rê bóng tạo đột biến hoặc ban bật nhóm nhỏ. Thời điểm này, Công Phượng là ngôi sao của cả đội và thi đấu có phần cá nhân. Văn Toàn ít đột biến hơn nhưng sẵn sàng thay thế người đàn anh gánh vác hàng công.

Với Văn Long và Quang Hải ở 2 cánh và Xuân Trường, Tuấn Anh ở giữa sân, sự cung cấp bóng cho bộ đôi HAGL ở tuyến trên là rất nhiều. Sự hiệu quả của Công Phượng – Văn Toàn nằm ở sự thấu hiểu khi có chung một tư tưởng, một lối chơi đã được rèn dũa nhiều năm.

>>> Xem thêm: Hà Đức Chinh - giá trị của ‘chân gỗ’

Bình Luận
Tags

Bài Viết Liên Quan

Back to top button