Vietnam9.net - Nhắc đến derby, đa số người yêu bóng đá đều nghĩ đến cuộc so tài giữa 2 đội bóng cùng một thành phố hay khu vực. Nhưng tại V.League thì lại là chuyện khác.
Ví dụ như trận derby thành Manchester giữa Manchester United và Manchester City. Derby vùng Merseyside giữa Liverpool và Everton, Derby vùng Đông Bắc giữa Liverpool và Manchester United. Hay “Derby della Madonnina” giữa AC Milan và Inter Milan…
V.League không có derby đúng nghĩa
Nhưng derby cũng là từ chỉ trận đấu giữa 2 kỳ phùng địch thủ trong một quốc gia. Thông thường, những trận này sẽ là cuộc đọ sức giữa các tên tuổi hàng đầu của một nền bóng đá. Ví dụ derby d’Italia giữa Juventus và Inter Milan. Hay các trận “Siêu kinh điển” ở các quốc gia như Real Madrid – Barcelona, Olympique Marseille – PSG, hay Bayern Munich – Borussia Dortmund,…

Và nếu như 2 đội bóng xuất sắc nhất của nền bóng đá lại cùng chung một thành phố? Đó sẽ là một trận cầu máu lửa thực sự. Điều mà những “Derby old Firm” giữa Celtic và Rangers. Hay “Superclasico” giữa Boca Juniors và River Plate luôn có thừa.
Derby – có thể nói đó là thứ gia vị không thể thiếu ở các giải đấu hàng đầu. Nhưng tại V.League lúc này, đó là một từ xa xỉ.
Xét về yếu tố địa lý, chỉ có 2 thành phố đang có 2 đại diện thi đấu tại V.League. Đó là Hà Nội và Tp.HCM. Tuy nhiên sẽ rất khó để gọi trận đấu giữa Hà Nội FC và Viettel là một trận “Derby thủ đô” như các trận đấu của Công An Hà Nội và Thể Công năm xưa.

Khái niệm Derby rất xa xỉ
Khi ấy, lực lượng của 2 đội tương đồng, thế nên các trận đấu thường diễn ra rất cân bằng và quyết liệt. Trong những năm 90, trận derby này lại càng đáng xem với cuộc so tài giữa 2 nhạc trưởng xuất sắc của bóng đá Việt Nam khi ấy là Vũ Minh Hiếu (Công An Hà Nội) và Nguyễn Hồng Sơn (Thể Công). Nó quyết liệt chẳng kém gì cặp Mazzola – Rivera của thành Milan năm nào.
Nhưng ngày nay mọi chuyện đã khác. Hà Nội FC hiện là thế lực thật sự của bóng đá Việt Nam. Còn Viettel chỉ là đội bóng mới lên hạng và trải qua mùa giải chật vật ở nửa dưới BXH.
Nếu nói về tính chất quyết liệt đúng nghĩa của derby, thì có lẽ chỉ có trận đấu giữa Hà Nội và Hải Phòng hội tụ đủ các yếu tố cần có nhất: Sự quyết liệt ở trên sân, sự đối địch của các CĐV. Thậm chí là việc người Hà Nội và Hải Phòng từng có những va chạm không liên quan tới bóng đá.

Nếu xét hoàn cảnh hiện tại, có thể coi trận Hà Nội và Hải Phòng là “Derby miền Bắc”. Nhưng chưa có bất kì báo đài nào gọi trận đấu này với cái tên như vậy.
Khó quên đi hình ảnh năm xưa
Tương tự, “Derby Sài thành” giữa Tp.HCM và Sài Gòn FC cũng chưa thể gọi là trận đấu giữa 2 đại diện xuất sắc nhất của bóng đá Tp.HCM. Vấn đề mà 2 đội bóng này đang gặp phải là sự dè dặt của người hâm mộ.
Trong mắt NHM bóng đá Tp.HCM, Sài Gòn FC vẫn chỉ là đội bóng “chuyển hộ khẩu” từ Hà Nội vào. Với mục đích ban đầu chỉ là không để thành phố lớn nhất nước không có một đại diện nào ở V.League. Trong khi đó, Tp.HCM vẫn chỉ là một đội bóng non trẻ. Không đủ giúp họ quên đi hình ảnh của Cảng Sài Gòn, CA TP.HCM hay Hải Quan.

Một trận đấu được gọi là derby, điều quan trọng nhất là phải tạo ra sự hứng khởi cho khán giả bởi sự đối địch giữa 2 CLB. Điều đó thì chưa thể có ở những đội bóng non trẻ như Tp.HCM và Sài Gòn FC. HLV Nguyễn Thành Công của Sài Gòn FC từng nói, trận đấu giữa 2 đội bóng này chưa xứng với tên gọi “Derby”.
Mùa tới, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh sẽ lên chơi ở V-League. Nhưng chúng ta cũng không nên kỳ vọng rằng họ sẽ cùng SLNA tạo nên trận “Derby Nghệ Tĩnh”. Bởi đơn giản cũng như Sài Gòn FC, sẽ rất khó để người dân địa phương xem một đội bóng “chuyển hộ khẩu” là một đại diện chính thức của mình.
Nguồn: Thành Đỗ Photosports
Bình Luận