Van Dijk - đánh bại Tử thần để trở thành “Vệ vương” của Liverpool

Virgil van Dijk từng lâm bạo bệnh, suýt không qua khỏi và thực tế đã viết một… bản di chúc trên giường bệnh cách đây hơn 5 năm, trước khi khoác áo Liverpool và cùng Lữ Đoàn Đỏ vô địch Champions League.

Ngày kết thúc sự nghiệp thi đấu không mấy nổi bật của mình – chuyến phiêu lưu qua nhiều CLB tầm trung như RBC Roosendaal và Willem II – thủ môn Frank Brugel có lẽ đã thừa nhận, rằng cơ hội để lại dấu ấn ở tầm đỉnh cao của nền bóng đá Hà Lan không còn đối với ông. Tất cả vụt mất, đã từ rất lâu rồi.

Khi ấy, sự tập trung còn lại của Brugel với bóng đá, chỉ còn là việc đưa cậu con trai Jordy đến đội bóng nghiệp dư WDS’19 tập luyện vào mỗi sáng thứ Bảy. Ấy vậy mà, ở chính nơi đó, Brugel đã phát hiện một thứ mà sau này, mang lại cho bóng đá xứ hoa Tulip một động lực to lớn trong thời kỳ tuyệt vọng nhất.

ĐƯỢC MỘT TAY VÔ DANH TIỂU TỐT TÌM THẤY

Jordi, cũng là một thủ môn như cha, đã không để lọt lưới nhiều khi bắt cho đội bóng nghiệp dư ngày đó. Thằng bé thực ra cũng có tài, nhưng thành tích ấy có công không nhỏ của những hậu vệ chơi trước mặt cậu. Trong số đó, có một trung vệ nhí đã cung cấp một sự bảo vệ không kể xiết cho thủ môn của đội nhà, song song với việc thường xuyên dâng cao để đóng góp vào mặt trận tấn công, tham gia vào các tình huống làm bàn.

Đó là cầu thủ nhí dường như đã có mặt ở mọi nơi trên thảm cỏ, và được mọi người gọi tên, là Virgil van Dijk.

Đương kim đội trưởng của ĐT Hà Lan đã được một thủ môn vô danh phát hiện như thế đó. Ảnh: Getty

Giai đoạn ấy, (ơn giời là) Brugel vẫn còn làm việc… hành chính cho Willem II. Ông nhận ra rằng trung vệ trẻ này có thể là sự bổ sung quý giá cho lò đào tạo của CLB, và đã nhanh chóng hành động.

“Ngay từ ngày đó, cậu ấy đã có sẵn một body-thể-thao, hoàn toàn trái ngược với những đứa trẻ khác trong đội” – Brugel kể. “Cậu ấy có điểm chạm rất tốt, kỹ thuật và cũng nhanh nhẹn. Đó là một tảng đá ở hàng phòng ngự, nhưng cũng có khả năng… quyết định trận đấu. Theo dõi cậu ấy thi đấu ngày ấy, là một niềm vui”.

Tương tự cựu thủ môn của đội, các tuyển trạch viên của Willem II cũng nhanh chóng bị thuyết phục, và mời cậu bé Van Dijk 10 tuổi đến tập thử vào năm 2001. Thời điểm ấy, lò đào tạo này cũng rất có tiếng, với nhiều cầu thủ trẻ được đôn lên nắm vị trí ở đội một. Tại sân chơi chuyên nghiệp, Willem II càng gây ấn tượng hơn khi kết thúc mùa 1998-99 ở vị trí Á quân giải VĐQG Hà Lan, và giành vé tham dự Champions League. Những thành tích ấy giúp họ có chỗ đứng đáng kể trong một giải đấu vốn bị Ajax, Feyenoord và PSV Eindhoven thống trị.

Một thời gian ngắn sau khi Van Dijk gia nhập đội bóng của thành phố Tilburg, một người đàn ông tên Jan van Loon cũng cập bến, nắm cương vị Giám đốc học viện của CLB. Van Loon, người cũng “không phải dạng vừa” khi từng đứng đầu bộ phận phát triển cầu thủ ở lò đào tạo của Arsenal, nhớ rất rõ về những ngày đầu tiên của Van Dijk ở Willem II.

“Không tiền đạo nào có nổi một cơ hội khi đấu solo với cậu ấy” – ông kể lại.

“Đó là một trung vệ có thể lực mạnh mẽ và tài năng thiên phú trong việc đoạt bóng từ chân đối thủ ở thời điểm thích hợp. Về khả năng chọn vị trí, cậu ấy cũng thể hiện rất ấn tượng, như thể có trực giác trong việc phòng ngự vậy”.

“Ngày ấy, và đôi khi là cả bây giờ, vì đá hay quá nên lắm lúc Van Dijk trông hơi… lè phè ở trên sân. Mỗi khi như thế, cậu ấy từng bị các HLV đội trẻ tưởng là lười biếng”.

Ngoài ra, Van Dijk cũng từng bị đặt dấu hỏi về tính kỷ luật, cụ thể là về giờ giấc, khi thỉnh thoảng đến muộn trong các buổi tập của đội. Vấn đề ấy từng nghiêm trọng đến mức các HLV đã  tranh luận với nhau rằng có nên giữ cậu ấy ở lại CLB hay không. Cho đến một ngày, Van Loon phát giác ra sự thật về thói vô kỷ luật đó.

Virgil van Dijk từng rất nổi bật, nhưng bị chê lười biếng trong màu áo Willem II Tilburg

Ngoài ra, Van Dijk cũng từng bị đặt dấu hỏi về tính kỷ luật, cụ thể là về giờ giấc, khi thỉnh thoảng đến muộn trong các buổi tập của đội. Vấn đề ấy từng nghiêm trọng đến mức các HLV đã  tranh luận với nhau rằng có nên giữ cậu ấy ở lại CLB hay không. Cho đến một ngày, Van Loon phát giác ra sự thật về thói vô kỷ luật đó.

TRƯỞNG THÀNH NHỜ… ĐI MUA BƠ ĐẬU PHỘNG

“Cha mẹ của Van Dijk sống ly thân, nên thỉnh thoảng cậu ấy phải kiêm luôn nhiệm vụ chăm sóc em trai và em gái của mình” – vị Giám đốc tiết lộ. “Cậu ấy thường phải đón mấy đứa em từ trường học về, cho chúng ăn trưa, trước khi nhảy lên xe buýt để đến sân tập của Willem II. Chính những việc nhà đó có thể khiến cậu ấy đi tập muộn”.

“Một lần, tôi còn nhớ là do đứa em trai muốn trét thêm bơ đậu phộng vào những chiếc sandwich của nó, nên Virgil phải chạy đi siêu thị mua, và rồi trễ giờ ra xe buýt đến sân tập. Chính giai đoạn đó đã định hình nên tính cách của cậu ấy, cả trên phương diện một con người và một cầu thủ”.

Cha mẹ Van Dijk ly thân từ nhỏ, nên anh phải chăm sóc cho em trai và em gái của mình. (Nguồn: The Sun)

Sau đó, Van Loon đã luôn cố gắng để giữ Van Dijk ở lại học viện, nhưng vẫn không đủ để sớm trao cho cậu một bản hợp đồng chuyên nghiệp ở tuổi 18. Willem II trì trệ trong việc đưa ra một lời đề nghị, và cậu trung vệ tuổi teen Van Dijk trở nên thiếu kiên nhẫn.

“Trong nội bộ CLB, đã có những ý kiến trái chiều về Virgil, và tôi nghĩ là cậu ấy biết điều đó” – Van Loon thừa nhận. Tình cảnh đó đã vô tình tạo cơ hội cho các CLB khác, và Groningen chính là đội “vồ lấy” Van Dijk đầu tiên, khi Willem II vẫn chưa thể đưa ra quyết định cuối cùng.

Cuộc hành trình mới đưa Van Dijk về với vùng đất chỉ cách thành phố Breda, nơi mẹ cậu ở chỉ 160 dặm. Tại đó, ngoài việc thích nghi với môi trường lạ, cậu cũng cần thời gian để hòa nhập với CLB mới. Điều đó không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhất là khi ông Dick Lukkien, HLV đội dự bị của Groningen, lại là một tay khó tính.

“Tôi là một người thẳng tính, có lẽ thế. Nhưng mỗi khi nhìn thấy một tài năng, tôi sẽ làm tất cả mọi thứ để phát triển trọn vẹn tiềm năng của cầu thủ ấy” - Lukkien khẳng định.

Thế nên, một lần nữa, thái độ lè phè của Van Dijk được đặt vào “tầm ngắm”.

“Thỉnh thoảng, Virgil cho đối thủ của mình quá nhiều khoảng trống” – ông Lukkien nói tiếp. “Thường thì, cậu ấy bù đắp cho thiếu sót đó bằng tốc độ của mình, nhưng BHL không hài lòng. ‘Nếu muốn vươn đến đẳng cấp cao, cậu phải sửa được cái tật đó’, chúng tôi đã yêu cầu cậu ấy như thế”.

“Ngoài ra, chúng tôi cũng chỉ ra rằng cậu ấy cần phải liên kết tốt hơn với các tiền vệ khi đội nhà kiểm soát bóng, vì nếu khoảng trống giữa các tuyến quá lớn, sẽ tạo ra cơ hội cho đối phương nếu họ cướp bóng thành công. Ở phương diện đó, cậu ấy đã tiếp thu và tiến bộ một cách ấn tượng”.

Ngoài Van Dijk, FC Groningen còn là nơi ươm mầm tài năng của những ngôi sao Arjen Robben hay Luis Suarez trong quá khứ. (Nguồn: FOX Sports)

Từ đó, hai thầy trò Van Dijk và Lukkien trở nên thân thiết hơn, và trung vệ này phá triển nhanh hơn nữa để sớm được đôn lên đội một, để có trận ra mắt vào tháng 5/2011, trong chiến thắng 4-2 trước ADO Den Haag. Dẫu vậy, đến một tháng sau đó, Van Dijk mới bước đầu khẳng định được mình ở đấu trường chuyên nghiệp.

Đối thủ ngày đó vẫn là ADO Den Haag, nhưng tính chất của cuộc đấu thì quan trọng hơn nhiều, khi nó là hai lượt trận Chung kết Play-off (ở giải VĐQG Hà Lan mùa 2010-11, các đội đứng từ hạng 5 đến 8 vào cuối mùa sẽ tham dự một loạt đấu Play-off để tranh một suất vào vòng loại thứ hai Europa League mùa 2011-12). Còn bối cảnh thì là, do đã thua tận 1-5 ở trận lượt đi, nên Groningen táo bạo đẩy Van Dijk lên đá như một “tiền đạo phụ”, hòng nỗ lực trong tuyệt vọng ở lượt đấu còn lại.

Kết quả, Van Dijk đã lập một cú đúp trong trận đấu ấy, góp phần giúp đội nhà thắng đúng… 5-1 ở lượt về, kéo trận đấu vào hiệp phụ với tổng tỷ số 6-6, trước khi gục ngã trong loạt đấu súng. Dù thất bại, nhưng đó là một khoảnh khắc đột phá không thể chối cãi của cầu thủ trẻ người Hà Lan.

GIẤC MƠ BARCELONA VÀ BIẾN CỐ KINH HOÀNG

Tại Groningen, HLV Lukkien cũng từng tìm hiểu về cuộc sống bên ngoài sân cỏ của Van Dijk, và ấn tượng với tính cách quyết đoán của cậu học trò.

“Chúng tôi từng bàn về tương lai của Virgil, và cậu ấy có suy nghĩ rất rõ ràng về các mục tiêu trong sự nghiệp” – ông chia sẻ. Cụ thể, dù chỉ mới đá trận ra mắt cho Groningen vào năm đó, nhưng Van Dijk đã không hề xấu hổ khi tiết lộ rằng một vụ chuyển nhượng đến… Barcelona chính là “mục tiêu tối thượng” của mình, và sẽ “làm việc thật chăm chỉ” để biến nó thành sự thực.

“Tôi có sự tự tin vào bản thân và biết mình có thể làm được gì” – cậu nói trong một buổi phỏng vấn vào thời điểm ấy, trước khi bổ sung thêm, rằng mình rất thích Gerard Pique và xem ngôi sao này là một hình mẫu để noi theo.

Thời gian cứ trôi, và trung vệ trẻ Van Dijk tiếp tục thu hút thêm nhiều sự chú ý trong suốt mùa 2011-12, mùa giải chuyên nghiệp trọn vẹn đầu tiên của cậu. Thế nhưng, khi chiến dịch ấy kết thúc, Van Dijk lại phải đối mặt một thử thách hoàn toàn khác, và khó khăn hơn rất rất nhiều.

“Virgil đã bất ngờ ngã bệnh, nhưng chúng tôi không xác định được mức độ của căn bệnh ấy. Thậm chí ban đầu, mọi người chỉ nghĩ cậu ấy bị cảm cúm vặt mà thôi” – Lukkien kể. “Virgil đã nằm nhà trong vài ngày, và phải chịu rất nhiều cơn đau. Sau đó, cậu ấy đến bệnh viện khám nhưng các bác sĩ ở đấy cũng không tìm ra được nguyên nhân, và bảo cậu ấy ra về”.

“Cơn đau của Virgil khi đó mỗi lúc một nặng hơn, và khi mẹ của cậu ấy hay tin và đến thăm con, bà mới nhận ra tình hình tệ như thế nào. Người mẹ ấy đã tức tốc đưa con trai đến một bệnh viện khác, và đó là bước ngoặt cực kỳ quan trọng” – HLV Lukkien khẳng định.  Bởi vì, tại bệnh viện thứ hai, các bác sĩ đã xác định rằng Van Dijk bị viêm ruột thừa, viêm phúc mạc, nhiễm trùng thận và phải phẫu thuật ngay lập tức!

Ca mổ sau đó đã thành công, nhưng Van Dijk vẫn chưa thể thoát ra khỏi rừng thẳm.

“Tôi vẫn nhớ cảnh mình nằm đơ người trên chiếc giường ấy” – Van Dijk kể lại sau đó vài tháng.

“Điều duy nhất tôi có thể thấy vào thời điểm đó, là những chiếc ống cứ lủng lẳng xung quanh mình. Cơ thể thì như tan vỡ và tôi không thể làm được gì. Trong khoảnh khắc đó, những kịch bản tồi tệ nhất sẽ rít lên trong đầu bạn. Và lần đầu tiên trong cuộc đời, bóng đá chỉ còn là một vấn đề rất phụ, vì tôi đang có nguy cơ mất mạng”.

“Thực tế thì mẹ và tôi đã cầu nguyện Chúa, và phải thảo luận về những tình huống có thể xảy ra. Thậm chí, tôi đã phải ký một vài tờ giấy, đại loại là một kiểu di chúc. Nếu tôi mất, thì mẹ sẽ thụ hưởng một phần tiền của tôi. Tất nhiên, không một ai muốn bàn về chuyện đó, nhưng vẫn là điều cần phải làm. Mọi thứ tưởng chừng đã chấm dứt…”.

Van Dijk đã sống sót qua biến cố đó, nhưng cơ thể thì yếu đi trông thấy.

“Tôi đã rất sốc khi cậu ấy từ một chàng trai to lớn đã biến đổi thành một người tiều tụy trong ngày trở về CLB. Rất may mắn là cậu ấy đã cố gắng để hồi phục khá nhanh” – Lukkien nhớ lại.

Van Dijk từng suýt chết, thậm chí đã ký vào “di chúc” cách đây 5 năm, trước khi giành giật được sự sống. (Ảnh: Getty)
TRUNG VỆ SỐ MỘT THẾ GIỚI

Từ đó trở đi, thì mọi chuyện lại trở về thế… đơn giản cho Van Dijk, người đã trở nên mạnh mẽ hơn, ở cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Sự tiến bộ của anh được nhiều CLB nhà giàu ở Đông Âu dõi theo, nhưng Van Dijk chọn cách đi chậm mà chắc, và xem việc chuyển đến một đội bóng hàng đầu Hà Lan là bước tiến lý tưởng tiếp theo.

Tuy vậy, sự quan tâm từ những Ajax, Feyenoord hay PSV đã không đến, có lẽ bởi… thái độ lè phè đặc trưng của anh hoặc lối đá phòng ngự “phi Hà Lan”. Củng cố cho nhận định này, là thực tế rằng Van Dijk cũng rất hiếm khi được gọi lên các đội tuyển trẻ của xứ sở hoa Tulip.

Trong bối cảnh đó, lời mời của Celtic là một sự thay thế tốt. Dù ở xa, nhưng gã khổng lồ của Glasgow (Scotland) không chỉ cho Van Dijk cơ hội thi đấu ở đấu trường danh giá Champions League, mà còn là bàn đạp đưa anh đến Premier League sau này.

Thực tế, The Bhoys biết họ sẽ không giữ chân tân binh này được lâu. Kris Commons, người từng chơi cùng Van Dijk trong hai mùa ở Celtic Park, nhớ lại lần đầu tiên anh trông thấy người đồng đội mới trên sân tập: “Tôi đã nghĩ kiểu, ‘làm thế nào mà đội mình mua được một cầu thủ giỏi như thế này?’. Bạn có thể nhận ra đó là một cầu thủ chất lượng ngay lập tức, với cầm bóng cực kỳ thoải mái, với thể hình, kỹ thuật, kỹ năng đá phạt và chơi bóng dài điêu luyện, hay cách độc trận đấu cũng rất ấn tượng của cậu ấy”.

“Không hề quá khi nói Virgil đã đưa chúng tôi lên một đẳng cấp mới. Cậu ấy gần như sở hữu mọi thứ cần thiết. Đó là một cầu thủ thường nhận bóng bằng chân phải, nhưng chân trái cũng thành thục không kém, trong khi vẫn nhận biết được những gì xảy ra xung quanh mình. Ngày đó, mọi người trong đội thậm chí đã nhìn vào cậu ta và thốt lên: Wow!”.

Commons có thể đã bất ngờ khi đánh bại Van Dijk để giành danh hiệu Cầu thủ Xuất sắc nhất của đội vào mùa 2013-14, nhưng lại không hề ngạc nhiên khi đàn em rời Celtic chỉ sau hai mùa giải.

“Ngày rời đi, cậu ấy đã đi trong những lời cầu chúc của toàn đội bóng. Tuy vậy, tôi cảm thấy Southampton chỉ là một bước đệm khác, và đừng mảy may ý nghĩ rằng cậu ấy sẽ ở đó từ 4-5 năm”.

Để rồi, sau khi chứng kiến đồng đội cũ gia nhập Liverpool với mức giá chuyển nhượng 75 triệu Bảng, đá chính trận Chung kết Champions League và được trao băng đội trưởng của tuyển Hà Lan, Commons bồi thêm: “Thấy chưa? Giờ thì họ nói cậu ấy có thể trở thành số một thế giới”.

Với công lớn của Van Dijk, hàng thủ Liverpool trở nên vững chãi bậc nhất châu Âu.

Sau khi nhanh chóng “biến đổi” Liverpool từ một đội “thuần tấn công hồn nhiên” thành một trong những CLB phòng ngự chắc chắn nhất châu Âu, liệu Van Dijk có thể bước lên thêm một nấc thang nữa, ở tuổi 27? Commons tin chắc rằng đàn em có thể.

“Tôi nghĩ Real Madrid hoặc Barcelona sẽ là điểm đến tiếp theo” – anh khẳng định.

“Hiện tại, tôi đánh giá Van Dijk ở cùng đẳng cấp với Sergio Ramos. Liverpool là một CLB lớn, nhưng xét về phương diện thu hút những siêu sao, thì Real và Barca vẫn ở trên họ một bậc. Điều tương tự từng xảy ra với Luis Suarez, nên nếu Virgil sẵn sàng bước tiếp thì tôi không thể tìm được lý do vì sao những Real, Barca hay Paris Saint-Gemain không liền hành động”.

Và cuối cùng, nếu đội chủ sân Camp Nou cân nhắc lời gợi ý của Commons, thì Van Dijk rốt cuộc sẽ chạm đến được “mục tiêu tối thượng” mà anh từng đặt ra vào năm 2011, khi mới chỉ đá được một vài trận cầu tại giải VĐQG Hà Lan.

Đó sẽ là cái kết không tệ, cho một cầu thủ thường thi đấu quá lè phè trên sân.

Tác giả: Gã Đồ Tể (dịch từ FourFourTwo)
Đồ hòa: Kim Thành

NHỮNG BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bình Luận