Vì sao Takefusa Kubo sẽ trở thành “siêu cầu thủ” đầu tiên của Nhật Bản?
Takefusa Kubo ghi bàn ra mắt La Liga khi mới 18 tuổi, được Barcelona đào tạo và sở hữu sẵn...
Read moreVietnam9 xin gửi đến các độc giả bản dịch bài tự sự rất hay, nhiều chi tiết độc và giàu ý nghĩa do chính Ronaldo “béo” viết về con đường sự nghiệp của mình.
Có lẽ điều này sẽ thú vị với các bạn: Mỗi khi nghĩ đến World Cup, thứ đầu tiên tôi hình dung đến là… sơn. Đó sẽ là những lon sơn nhỏ, màu xanh dương, xanh lá cây và vàng - những màu sắc tươi sáng nhất mà bạn có thể tưởng tượng được.
Tại Brazil, có một truyền thống được thực hiện mỗi 4 năm một lần, trước khi Cúp Thế giới bắt đầu: Bạn sẽ ra ngoài và sơn lên khắp đường phố ở quê nhà. Mọi người thậm chí còn thi đua xem ai vẽ được những bức tranh đẹp nhất trên tường và vỉa hè.
Thế nên, trước World Cup 1982, như mọi đứa trẻ trên khắp đất nước, tôi cũng phóng ra đường và sơn lên phố cùng chúng bạn hàng xóm. Thực ra thì tất cả mọi người trong thị trấn của tôi đều tham gia vào cuộc vui, và kết quả là hàng loạt bức tranh tường ra đời, với mọi màu sắc và họa tiết – từ những con chim, cờ Brazil hay các cầu thủ của đội tuyển quốc gia.
Sau chúng tôi vẽ xong, một hàng xóm già là Mr. Renato đã mời tất cả mọi người đến nhà để xem các trận đấu. Giờ thì tôi không còn nhớ rõ về ông ấy nữa, trừ việc ông nhìn gần như khổng lồ đối với tôi khi còn bé.
Nghe nói ông là một cựu bộ đội không quân hay một đơn vị nào đó đại loại thế, và ông thường mua cho lũ trẻ chúng tôi khoai tây chiên và soda – những món quà quý giá vào thời điểm ấy, vì chúng tôi không thường được tiếp cận chúng.
Có những điều nhỏ bé nhưng sau cùng sẽ tạo thành những ký ức đặc biệt như thế: Khoai tây chiên và soda, thời khắc ngồi cùng bạn bè xem bóng đá, rồi nghĩ rằng một ngày nào đó, có thể trở thành cầu thủ chuyên nghiệp…
Tôi lớn lên tại Bento Ribeiro, một vùng ngoại ô phía Bắc của Rio de Janeiro. Xét cấp bậc thì nơi này quy tụ những gia đình ở tầng lớp hạ trung lưu.
Ở đó không có những khu ổ chuột hay những căn nhà xếp chồng lên nhau như các bạn vẫn thường thấy trên TV đâu, mà chỉ đơn giản là một quê hương bình thường. Điều bất thường duy nhất là không có bất cứ một ngày nào mà mọi người dừng nói về bóng đá.
Nói một cách thành thật, từ khi mới lên 5 tuổi, tôi đã nhận thức được rằng cuộc sống mình gắn bó với bóng đá.
Tôi không biết giải thích như thế nào, kiểu cảm thấy kết nối với môn thể thao này ngay lập tức ấy. Điều đặc biệt ấy có lẽ đã… ở sẵn trong người tôi. Thật dễ để nói kiểu đó khi bạn còn trẻ. Sau này tôi đã luôn muốn trở thành một cầu thủ, nhưng ngày còn là một đứa bé, tôi cũng đâu thực sự biết nó nghĩa là gì đâu.
Bạn sẽ luôn không thể mường tượng được hết độ vĩ đại của một điều gì đó, cho đến khi đạt được nó. Thực tế không phải là thứ bạn có thể tưởng tượng được, nhất là khi bạn còn nhỏ bé và mơ mộng.
Và chắc chắn là tôi cũng chưa biết gì khi nhúng cây cọ vào lọ sơn khi mới 5 tuổi rồi. Tôi không biết bóng đá rồi sẽ đưa tôi đến đâu, khi những giọt sơn màu xanh nhỏ xuống cánh tay và cổ tay mình, lúc đứng cùng chúng bạn trên đường phố. Khi đó, Zico đang nhìn về phía chúng tôi từ một bức tranh mới hoàn tất trên đường phố quê nhà.
Tôi không hề biết mọi chuyện sẽ diễn tiến nhanh như thế nào, và một giấc mơ có thể trở thành hiện thực chóng vánh ra sao.
Ngay lúc đó, tôi vẫn chỉ là một trong những đứa nhóc cuồng bóng đá trong thị trấn của mình. Độ cuồng ở đây là lúc nào cũng chơi ấy. Có lẽ, khi nhìn lại, đó chính là điều đã khiến tôi khác biệt so với những đứa trẻ cũng muốn trở thành cầu thủ ở Brazil.
Ngay từ ngày đó, tôi đã không chỉ mơ ước trở thành cầu thủ vĩ đại nhất, mà thực tế, đã thực sự tin như vậy. Tôi tin mình có thể trở thành một trong những người giỏi nhất từng chơi môn thể thao này. Giờ nhớ lại thì tôi lại cười khi nghĩ về giấc mơ ấy, vì tôi không biết nó từ đâu đến, và đã bắt đầu từ khi nào. Cũng có thể là ngay thời khắc tôi đá vào một quả bóng.
Thế nên, lại thành thật mà nói, tôi lại không còn nhớ về trận đấu đầu tiên của Flamengo ở Maracana mà cha đã dắt tôi đi xem. Thật kỳ lạ, nhưng điều duy nhất mà tôi có thể so sánh với sự kiện đó là việc tập đi. Trong cuộc đời, ai cũng có giai đoạn mà chúng ta chưa biết đi, để rồi sau này ta không thể nhớ gì về giai đoạn đó nữa. Tương tự, tôi thì không còn nhớ về cuộc sống khi chưa có bóng đá.
Thậm chí đến cả cái biệt danh đầu tiên của mình, tôi cũng không nhớ nó bắt đầu từ khi nào nữa. Chỉ biết là mỗi khi tôi ghi bàn vào lưới hai anh trai mình, họ đều hét lên “Dadadooooooo!”.
Thú thật là khi còn nhỏ, tôi gặp khó khăn khi phát âm… chính tên gọi của mình - Ronaldo. Tôi đã cố, nhưng lúc nào âm thanh phát ra cũng hao hao như “Dadado”, nên mọi người cứ gọi tôi như thế.
Ngày đó, khi các anh thấy đã chơi đủ và đi vào nhà, thì tôi vẫn ở ngoài cùng quả bóng và cứ tiếp tục đá đá, bằng chân trái, chân phải rồi lại chân trái. Tôi thích chơi trong chiếc sân của nhà mình.
Chúng tôi không có một căn nhà to, và tôi gần như lúc nào cũng ngủ trên một chiếc ghế dài. Nhưng điều tuyệt nhất là nhà tôi lại có sân, và đó là tất cả những gì tôi cần: Khoảng không để chơi bóng đá.
Như hầu hết mọi căn nhà khác ở Brazil, nhà chúng tôi được bao quanh bởi một khu vườn trái cây với nào là ổi, xoài hay là nho. Vì thế, tôi luôn có thể tập rê bóng qua những thân cây, sau khi các anh đã chơi chán và bỏ vào nhà.
Trong những khoảnh khắc đó, tôi lại một mực nghĩ mình sẽ trở thành cầu thủ vĩ đại nhất từ trước đến nay. Tôi xem mọi cơ hội mình có như những bước đi trên con đường trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.
Giấc mơ ấy như một “gã độc tài” trong đầu tôi vậy. Tôi không muốn nghĩ đến bất cứ điều gì khác, dù ba mẹ luôn muốn tôi tập trung vào những bài học ở trường hơn. Để rồi về sau, sau một năm chơi futsal, tôi đã tìm được một cơ hội thực sự để biết rằng, tất cả những bước đi trước đây đều không uổng phí. Cơ hội đó đến một phần là nhờ may mắn, nhưng những phần lớn còn lại vẫn là sự cống hiến của tôi cho giấc mơ này.
Đó là cơ hội tập luyện tại đội trẻ của CLB São Cristóvão. Khi mới 13 tuổi, tôi đã được nhiều CLB để mắt đến, và sau đó tới Belo Horizonte chơi cho Cruzeiro. Đến tuổi 15, tôi nhận được giấy mời lên tập luyện cùng… đội tuyển quốc gia. 16 tuổi, tôi đã đá trận chuyên nghiệp đầu tiên, ra mắt đội một Cruzeiro. Và rồi một năm sau đó, 1994, tôi vô địch World Cup lần đầu tiên cùng ĐT Brazil.
Thật không thể tin nổi! Như tôi đã nói, tất cả đã xảy ra quá nhanh! Tất cả những khoảnh khắc trong hành trình ngắn ngủi đó đều đến như những bất ngờ. Tôi không thể tưởng tượng được quá trình trở thành cầu thủ chuyên nghiệp lại có thể diễn ra như thế khi thậm chí, tôi còn chưa kịp lên bất cứ một kế hoạch gì, ngay cả gạch ra vài dòng vào sổ tay.
Đôi khi tôi có cảm giác như, từ một thằng nhóc đi học về và chạy ra vườn đá bóng, bỗng dưng đùng một cái được tập luyện cùng Bebeto vậy.
Mà còn được dự World Cup nữa chứ! Làm sao tôi có thể tả được cảm giác tuyệt vời khi hiện diện ở Cúp Thế giới 1994, hay trong lòng đội tuyển vĩ đại ấy đây?
Nhưng thôi để tôi nói luôn cho nó vuông. Havard là đại học danh tiếng bậc nhất của nước Mỹ đúng không? Thế thì được chơi ở World Cup cũng như đỗ vào Ivy League (nhóm 8 trường đãi học lâu đời và danh tiếng nhất của Mỹ, gồm cả Havard) của bóng đá vậy.
Nó là đấu trường đẳng cấp nhất, và là ngôi trường hàng đầu nơi không chỉ dạy bạn chơi bóng mà còn trở thành một cầu thủ thực sự. Nó dạy bạn cách trở thành một nhà vô địch.
Thực tế thì tôi vẫn chưa được chơi dù chỉ một phút nào trong suốt giải đấu đó. Tất cả những gì tôi đã được làm là ngồi quên sát và tiếp thu tất cả mỗi thứ. Tôi ghi chép, thu thập thông tin một cách chi tiết nhất và biết một ngày nào đó mình sẽ trở lại nơi đây, sử dụng tất cả những điều này.
Chính mùa Hè kỳ diệu đó đã thay đổi cuộc đời và sự nghiệp của tôi, vì đó cũng là lúc tôi được gặp Romário – tiền đạo mà tôi đã theo dõi suốt từ khi còn bé, cùng với Zico. Anh ấy là hình mẫu mà tôi noi theo, ở cả trong lẫn ngoài sân cỏ.
Khi tôi đến đại bản doanh của đội tuyển vào mùa Hè ấy, Romário luôn chú ý chỉ bảo các cầu thủ trẻ, đặc biệt là tôi. Có thể vì chúng tôi chơi cùng vị trí, hoặc có thể là anh ấy nhận thấy được khát khao và sự chăm chỉ của tôi, tôi cũng không biết nữa.
Chỉ biết là chúng tôi đã nói chuyện rất nhiều sau mỗi buổi tập. Thật kỳ lạ, nhưng tôi cảm giác như Romário cũng chia sẻ lý thuyết chơi bóng đá giống tôi: Phải tiến bộ qua từng lần “tiến hóa”, nghĩa là bạn phải thực hiện một loạt bước đi trước khi tiến lên một đẳng cấp mới; và rồi cứ thế cứ thế, cho đến khi trở thành người giỏi nhất trong số những người giỏi nhất.
Điều quan trọng nữa mà Romário nói với tôi là, bước tiến tiếp theo phải là châu Âu.
Thời điểm đó, anh ấy đã gia nhập Barcelona sau khi chơi cho PSV Eindhoven – đội cũng đang tiếp cận và muốn chiêu mộ tôi. Nghe có vẻ buồn cười, nhưng một trong những điều đầu tiên chúng tôi nói về vụ này lại là thời tiết. Kiểu cảm thấy như thế nào khi chuyển từ sân cỏ Brazil đến mặt sân phủ đầy tuyết ở Hà Lan ấy.
Dẫu vậy, thứ phải điều chỉnh lớn nhất lại không phải là thời tiết, mà lại là tinh thần cạnh tranh. Romário đã nói với tôi về việc vô địch La Liga hay được chơi trong trận Chung kết Champions League.
Nghe xong thì tôi biết, nếu muốn trở thành người giỏi nhất, thì mình cũng phải đi theo con đường này. Thế là tôi ký hợp đồng với PSV.
George Weah.
Marco van Basten.
Paolo Maldini.
Đó là những cầu thủ mà tôi đã ngưỡng mộ từ khi còn bé. Những cầu thủ vĩ đại nhất. Và giờ thì tôi cũng đang chơi bóng ở châu Âu, hít thở chung bầu không khí bóng đá với họ.
Tôi cần thể hiện mình ngay lập tức, nên chọn cách trở nên thật táo bạo. Tôi đã đặt ra những mục tiêu và lao vào cuộc chơi để chinh phục chúng. Và tôi chắc chắc rằng mọi người cũng biết tôi đang làm gì.
Chỉ khi mới cập bến PSV, tôi đã khẳng định mình sẽ ghi 30 bàn thắng trong mùa giải đầu tiên.
Sau đó tôi ghi 30 bàn thật.
Và rồi tôi nói mình muốn trở thành cầu thủ giỏi nhất thế giới.
Sau đó, tôi đến Barcelona và giành Ballon d’Or thật.
Nhưng giờ nhìn lại thì cũng hơi quá thể. Tôi đã luôn tự tin từ khi còn là một đứa trẻ, nhưng việc tuyên bố những mục tiêu và nhắm đến những giải thưởng như thế ư? Lúc đó tôi chỉ làm những gì mà những đàn anh đã thể hiện.
Sự khoe khoang và phô trương đó đã khiến tôi mất một vài năm và có lẽ là lâu hơn thế để nhận ra rằng, đó không phải là mình. Tôi không phải kiểu người thường phát ngôn đao to búa lớn như vậy. Để rồi sau này, tôi đã luôn để những màn trình diễn trên sân nói hộ mình.
Nhưng động lực thì vẫn không mất đi, tất nhiên rồi. Tôi luôn bắt mình hướng đến và chinh phục những thử thách đó, nhưng không nói với ai nữa cả. Là người giỏi nhất không phải là lúc nào cũng có mặt trên những tít báo, mà phải là cách tôi chơi môn thể thao này. Tôi không ngừng thúc ép bản thân, không ngừng tìm ra những giới hạn của mình và phá vỡ nó.
Thật ra hai mục tiêu đã công khai phía trên cũng là một cách để tôi kiểm tra giới hạn của mình. Tôi đã làm được hết, ngoại trừ một lỗ hổng là chưa từng ra sân ở World Cup. Nhưng trong suy nghĩ của tôi, nó chỉ còn là vấn đề thời gian, và tôi thì còn nhiều thời gian mà.
Đúng vậy, đến World Cup 1998, tôi vẫn chỉ mới 21 tuổi và bóng đá vẫn chỉ mới là niềm vui. Tôi ghi 4 bàn trên hành trình cùng ĐT Brazil tiến vào trận Chung kết gặp Pháp. Nhưng rồi, trong cái ngày quyết định ấy, một điều đã xảy ra mà tôi không thể nào giải thích được.
Tôi bị bệnh, bệnh rất nặng và nằm co giật trên giường. Tôi quả thật không nhớ quá nhiều về lúc đó, nhưng khi các bác sĩ đến kiểm tra và cho phép thi đấu thì tôi vẫn ra sân. Tất nhiên là tôi đã chơi không tốt, và chúng tôi thua trắng 0-3.
Đó là một thời điểm tồi tệ khủng khiếp. Song tôi nghĩ mình vẫn còn trẻ, còn chơi được nhiều kỳ World Cup và sẽ còn nhiều cơ hội nữa.
Nhưng tôi lại ngây thơ rồi phải không? Đó đâu phải cách cuộc đời vận hành đâu mà nhỉ?
Chỉ một năm sau đó, tôi dính một chấn thương đầu gối cực nặng. Nặng đến nỗi nhiều người nói tôi không bao giờ đá bóng được nữa. Một số còn bảo tôi sẽ không còn có thể tự bước đi. Đó là lúc những giới hạn của tôi bị thử thách một cách thực sự.
Thành thật mà nói, có một số điều trong bóng đá luôn khiến tôi cảm thấy phiền lòng. Đó là việc phải xê dịch nhiều, hay phải chờ đợi. Thế nhưng khoảnh khắc được đứng trên sân cỏ và chỉ tận hưởng bóng đá thì tôi yêu vô cùng. Cảm xúc đó chưa bao giờ vơi đối với tôi. Kể cả ở PSV, Barca hay Inter - tôi đều cảm thấy một thứ hạnh phúc tương tự đã có được từ khi còn nhỏ.
Cuộc sống, đối với tôi, như đã bắt đầu và kết thúc trên sân bóng đá. Thế nên khi đầu gối bị “phá hủy”, tôi có cảm giác như cả cuộc đời mình đã bị tước mất.
Cảm giác đó khiến tôi làm bất cứ điều gì có thể để quay trở lại. Tôi đến Mỹ để gặp những bác sĩ và những chuyên gia phẫu thuật. Tôi đi vòng quanh thế giới và mất khoảng 3 năm để điều trị, thất bại rồi lại trị tiếp. Tôi biết World Cup 2002 đang đến rất gần, nhưng kể cả danh hiệu cao quý đó và những bàn thắng cũng không phải thứ thúc đẩy tôi nhất. Tôi chỉ đơn giản là thèm khát cảm giác đó – cảm giác mà tôi chỉ có thể tìm được khi đứng trên sân cỏ, với quả bóng ở dưới chân.
Và rồi ba năm sau chấn thương tồi tệ nhất của mình, và bốn năm sau thất bại ở trận Chung kết 1998, tôi đã lại được cầm bóng ở Hàn Quốc, dự World Cup cùng ĐT Brazil.
Và rồi ngay trước trận Chung kết với ĐT Đức, một điều tuyệt vời đã xảy ra. Khi đội tuyển bước vào phòng thay đồ trước trận, HLV Luiz Felipe Scolari đã chiếu cho chúng tôi xem một thứ trên TV. Mọi người lần lượt nhìn nhau và không chắc điều gì sắp xảy ra, vì một chiếc TV trong phòng thay đồ thì cũng không phải điều bình thường.
“Ngồi xuống. Tôi có một thứ muốn cho các bạn xem” – Luiz nói với chúng tôi.
Rồi ông bật TV lên và nhấn mở băng hình. Đó là một đoạn phim được ghi lại từ Globo, một đài truyền hình của Brazil. Cần biết là chúng tôi đã không được theo dõi tin tức từ quê nhà sau khi đến Viễn Đông, nên đó là lần đầu tiên chúng tôi nghe và thấy những điều từ bà con mình khi tham gia giải đấu.
Song đó vẫn không là phải một chương trình truyền hình thông thường. Trong đoạn phim, người ta đi đến từng quê hương của chúng tôi, để chỉ cho chúng tôi biết người thân nói riêng và cả đất nước noi chúng đã đang ăn mừng và ủng hộ chúng tôi như thế nào. Họ đã đến cả Bento Ribeiro, rồi đập vào mặt tôi hình ảnh con phố tôi đã lớn lên, và cả những bức tường mà tôi đã tự tập sút ngày xưa nữa.
Tôi còn thấy cả những đứa trẻ đứng cạnh những bức graffiti đầy màu sắc mà tụi nó vừa vẽ cho chúng tôi, như chính chúng tôi đã từng như vậy. Đó điều cuối cùng chúng tôi được xem trước khi bước vào sân thi đấu.
Giờ thì hãy bước vào cuộc chiến quan trọng nhất này. Khi tỷ số vẫn là 0-0 khi bước vào giờ nghỉ, toàn đội vẫn không hề lo lắng. Tôi sẽ kể cho các bạn nghe sự thật: Chúng tôi đã không nói chuyện gì quá nhiều, cũng như chẳng bàn thảo chiến thuật lớn nào khi bước vào phòng thay đồ. Chúng tôi chỉ đơn giản là biết phải làm gì, biết sẽ ghi được bàn thắng mình cần và rồi quả thực đã giành chiến thắng.
Brazil chỉ có… sự tự tin. Chúng tôi cảm nhận được nó trong suốt giải đấu, khi biết mình có thể chiến thắng mọi trận đấu. Chúng tôi không cần phải nói đội mình có thể mạnh như thế nào, chỉ đơn giản cảm nhận được nó. Đó có lẽ là đội bóng hay nhất tôi từng được chơi cùng.
Và với tôi, không biết sao mỗi khi áp lực càng lên cao thì mọi thứ lại càng dễ dàng hơn. Tôi có thể thấy được những viễn cảnh, có thể bình tĩnh hay chỉ đơn giản là có thể… thở trong dưới những áp lực khổng lồ như thế. Tôi nghĩ đó chính là thứ để làm nên một tiền đạo giỏi: Sở hữu tất cả những cảm xúc đó, nhưng biết cách kiểm soát chúng.
Và rồi sau đó bạn ghi bàn, cảm giác sẽ gần giống như một cơn cực khoái, nhưng nói thật là còn hơn thế nữa. Tôi đã trải qua cảm giác đó khi lập cú đúp vào lưới tuyển Đức. Mọi thứ đã được đặt vào thật đúng vị trí của chúng. Chiếc cúp Vàng thế giới, chỉ còn cách chúng tôi một vài phút nữa thôi… Tôi chưa từng trải qua bất cứ điều gì tương tự thế trên sân cỏ.
90 phút đã kết thúc, và tôi đổ gục xuống thảm cỏ của đời mình. Đó là điều tuyệt vời nhất từng xảy ra. Tôi biết ơn HLV Luiz, và rồi nghĩ về những người từng bảo tôi sẽ không bao giờ có thể trở lại, không bao giờ có thể chơi bóng, thậm chí là không thể bước đi được nữa.
Đó là năm 2002, khi mọi người chỉ mới bắt đầu có điện thoại. Thế nên khi nhìn quanh sân vận động và lóa mắt trước những đóm sáng trắng nhỏ hình vuông như thể đang trong vũ trường disco, tôi phải mất một phút để nhận thức được chuyện gì đang xảy ra. Thì ra các CĐV đang chỉa các quả phone gập của họ về phía tôi để chụp ảnh mọi người ạ. Hồi đấy, chụp hình bằng điện thoại là cả một khái niệm mới.
Sau đó, tôi đi về phía đường pitch và gặp Rodrigo Paiva, người phụ trách truyền thông của đội tuyển quốc gia. Ông này chính là người đã ở cạnh tôi mọi thời điểm trong quá trình hồi phục chấn thương. Paiva từng kiên nhẫn đi chầm chậm cạnh tôi khi tôi chỉ mới có thể lê lết từng bước một. Và rồi tôi bắt đầu khóc. Tất cả những cảm xúc này, tôi chưa từng trải nghiệm trước đây. Khoảnh khắc đó, là một món quà.
Và rồi tất nhiên, chúng tôi ăn mừng tưng bừng. Tôi không nghĩ là chúng tôi đã ngủ được chút nào trong đêm đó. Song nó chưa phải một bữa tiệc lớn chừng nào đội chưa trở về đến Brazil. Trong chuyến bay về quê nhà tôi đã đặt con trai – lúc đó chỉ mới 2 tuổi – vào lòng mình và nhớ về ba. Hai cha con tôi không nói chuyện với nhau nhiều nhưng đều biết World Cup nghĩa là gì. Rằng nó ý nghĩa với gia đình tôi như thế nào, với cả nước Brazil ra sao. Và với cả Bento Ribeiro nữa…
Chiếc chuyên cơ sau đó hạ cánh ở rất nhiều thành phố khác nhau ở Brazil trên đường trở về, và đó là một vài trong những ngày tuyệt nhất đời tôi. Được nhìn thấy mọi người trên khắp đất nước hòa vào niềm vui to lớn, chiêm ngưỡng những bức tranh tường nhiều màu sắc mà giờ đây, có gương mặt chúng tôi trên đó…
Dẫu vậy sau khi vô địch World Cup (ở tuổi 26), tôi vẫn tiếp tục hướng đến những bước tiếp theo, những mục tiêu và thử thách tiếp theo trong sự nghiệp của mình. Mọi thứ vẫn thế, ngoại trừ việc những khó khăn trở nên rất nhiều khi tôi liên tục chấn thương. Tôi vẫn luôn nghĩ về việc mình sẽ còn tiến xa đến đâu nếu không dính những chấn thương đầu gối này, hay đúng hơn, là nếu tôi biết tập luyện đúng cách.
Với tôi, trong bóng đá, vấn đề luôn là việc tôi có thể đẩy bản thân tiến xa đến đâu và tôi nghĩ mình đã duy trì quyết tâm đó lâu hết mức mình có thể. Tôi đã vượt qua một chấn thương đầu gối khác và gia nhập Corinthians ở giai đoạn cuối của sự nghiệp.
Thế nhưng khi tình trạng sức khỏe khiến tôi không những không còn có thể thi đấu, mà đôi khi còn không thể thở hay đứng dậy và chạy nữa, thì đã đến lúc phải dừng lại. Nếu không còn có thể là một cầu thủ như mình mong muốn trên sân cỏ, không còn giữ được cảm giác như ngày xưa, thì tôi cũng không thể thi đấu nữa.
Vào năm 2011, tôi cần đưa ra quyết định.
Tôi biết mình phải nói lời tạm biệt với bóng đá.
Ít nhất là khi tôi còn có thể đứng trên sân.
Thế nhưng bóng đá cũng như một cơn nghiện vậy. Với các cầu thủ, các CĐV và tất cả mọi người. Đó là lý do tại sao nó thu hút rất nhiều người trên thế giới. Tôi đã dành rất nhiều thời gian để nghĩ về điều đó khi đã dừng chơi bóng. Tôi vẫn nghĩ về những điều mà trò chơi này đã trao cho tôi.
Tôi đảm bảo rằng vẫn có nhiều đứa trẻ lớn lên và nhìn nhận bóng đá theo cái cách tôi đã từng. Nhưng những thành phố và thị trấn thì đã thay đổi. Khi tôi còn bé, sân bóng ở khắp nơi. Nhưng giờ thì những tòa nhà và công trình khác đã lấy đi rất rất nhiều những khoảng không như thế, nên bạn không còn được thấy nhiều đứa trẻ đá bóng ngoài đường hay xung quanh nhiều như trước nữa.
Đối với tôi, sân bóng là điều hoàn hảo nhất trên thế giới. Nó có thể là sân vận động, nhưng cũng có thể là bãi biển hoặc chỉ là một mảng cỏ lớn với những cây ăn quả xung quanh. Chẳng có vấn đề gì cả. Khi còn bé, bạn có thể nhìn xung quanh sân bóng và nhìn thấy tương lai của mình.
Một trong những điều khiến tôi hạnh phúc nhất trong đời là khi nghe những hậu bối như Messi, Neymar, Cristiano Ronaldo hay Ibrahimovic nói rằng tôi có sức ảnh hưởng đến lối chơi, những ký ức và giấc mơ trở thành cầu thủ của họ. Hãy nghĩ đi, ngày xưa tôi chỉ là thằng bé cầm cọ sơn những bức tranh cổ động và mơ lớn lên được như Zico. Còn họ, những đứa trẻ ở Brazil, Argentina hay Bồ Đào Nha cũng có giấc mơ tương tự vậy. Chúng tôi đã được kết nối với nhau bởi cảm giác này, bạn biết không?
Điều đó thật đẹp, và chính là định nghĩa bóng đá đối với tôi.
Và các bạn cũng biết không, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về cách kết thúc bài viết này. Tôi là một người mở chuyện giỏi nhưng lại không bao giờ biết kết bài.
Tôi sẽ kết lại bằng câu nói này: “Tôi đã sống với những giấc mơ của mình. Đã nhìn thấy và sống trong cực nhiều gam màu rực rỡ. Có bao nhiêu người có thể nói như thế về cuộc đời của họ chứ?”.
Gã Đồ Tể (dịch từ The Players’ Tribune)
Đồ họa: Kim Thành
Takefusa Kubo ghi bàn ra mắt La Liga khi mới 18 tuổi, được Barcelona đào tạo và sở hữu sẵn...
Read moreE-Magazine - Vietnam9.net xin gửi đến quý độc giả bản dịch bức thư Marcelo gửi cho em trai anh. Trong...
Read moreTrước khi Liên đoàn bóng đá Việt Nam VFF tìm ra được vị chiến lược gia tài ba Park Hang...
Read moreE-Magazine - Muốn tiếp tục sải cánh trên bầu trời châu Á thời gian tới, ĐT Việt Nam cần một...
Read moreViệt Nam đang có phong độ tốt và được xem là cửa trên khi làm khách của Indonesia, đội đang...
Read morePhía sau pha ăn mừng mang phong cách Cristiano Ronaldo sau khi sút tung lưới Malaysia, không chỉ là cảm...
Read moreChưa đầy một năm sau cuộc thư hùng ở Chung kết AFF Suzuki Cup 2018, đại chiến Việt Nam vs...
Read moreBa biến cố lớn nhất trong cuộc đời – có giá trị tham khảo cả trong bóng đá lẫn cuộc...
Read moreVietnam9 xin gửi đến các độc giả bản dịch bài tự sự rất hay, nhiều chi tiết độc và giàu...
Read moreTròn 10 năm từ ngày Bình Dương “quẩy nát” ở AFC Cup 2009, V.League mới có thêm một đại diện...
Read more